Trường Sĩ - Quan Hải - quân Hoa - kỳ

                                                     K.C. sÜu tÀm

I - Tiểu Sử

Khi các sáng lập viên đang tìm một điạ điểm thích hợp cho trường đại học Hải Quân, bộ trưởng Hải Quân lúc bấy giờ là ông GeorgeBancroft quyết định chuyển trường này đến một nơi lành mạnh và biệt lập ở Annapolis để các Sinh Viên Sĩ Quan tránh khỏi những cám dỗ và ồn ào của thành phố lớn đông đúc. Tiền thân là Hải Quân Học Viện Philadelphia, bốn trong bẩy giáo sư đầu tiên
của ban giảng huấn đến từ Philadelphia.Trong thời gian lập quốc đã từng có những trường Hải Quân nhỏ ở các thành phố New York; Norfolk, Virginia và Boston, Massachusetts.
Hải Quân Hoa-Kỳ được thành lập trong thời cách mạng khi cần có hải lực để đương đầu với Hải Quân Anh. Nhưng sau thời kỳ cách mạng, Hải Quân bị giải tán vào năm 1785 vì quốc hội chú trọng hơn vào nền kinh tế.
Hải lực Mỹ nằm bất động khoảng thập niên, cho đến năm 1794 Tổng thống George Washington thuyết phục quốc hội chuẩn phê một hải lực mới để chống lại sự bành trướng của hải tặc ngoài khơi.
Các chiến hạm đầu tiên của hải quân Mỹ được hạ thủy vào năm 1797; trong số đó có những chiếc nổi tiếng như United States, Constellation, và Constitution. Năm 1825 Tổng thống Quincy Adams yêu cầu quốc hội thành lập một trường Hải quân để đào tạo những sĩ quan hải quân đắc lực có kiến thức khoa học. Tuy nhiên những đề nghị này mãi hai mươi năm sau mới được thực hiện.
 

Ngày 13/9/1842, chiến hạm Somers khởi hành từ Hải quân công xưởng Brooklyn, một trong những chuyến hải hành đáng ghi nhớnhất của lịch sử hải quân Hoa-kỳ. Đây là một huấn luyện hạm để huấn luyện các thiếu niên tình nguyện huấn nghiệp với hy vọng các em sẽ chọn hải nghiệp. Tuy nhiên vì kỷ luật suy kém trên chiến hạm Somers, tòa án quân sự trên tàu đã kết án SVSQ Philip Spencer và hai đồng lõa chính về tội âm mưu nổi loạn. Cả ba đều bị treo cổ trên cột buồm và biến cố này làm mất tin tưởng vào sáng kiến gửi các SVSQ xuống chiến hạm để thực tập. Tin nổi loạn trên tàu Somers làm chấn động toàn quốc.
Nhờ những nỗ lực của bộ trưởng hải quân Bancroft, ngày 10/10/1845 trường Hải quân được thành lập, ngoài sự tài trợ của quốc hội, tại căn cứ Lục quân Fort Severn ở Annapolis, Maryland với một khóa có 50 SVSQ và bẩy giáo sư. Chương trình huấn luyện gồm có toán học, hải hành, hải pháo, máy hơi nước, hóa học, triết học, Anh và Pháp văn.
Năm 1850 trường trở thành Đại học Hải quân. Chương trình huấn luyện mới đòi hỏì SVSQ phải theo học bốn năm tại trường và huấn nghiệp trên các chiến hạm vào mỗi mùa hè. Chương trình này là căn bản của chương trình huấn luyện tiến bộ và tinh vi ngày nay.
Theo thời gian, Hải quân lớn mạnh, trường đại học Hải quân cũng bành trướng theo. Trường sở rộng từ 10 mẫu tăng lên 338 mẫu, SVSQ từ 50 tăng đến 4000.
Các kiến trúc mới với đá xanh thay thế các tòa nhà cũ bằng gỗ của căn cứ Fort Severn.
Từ năm 1933 quốc hội chuẩn phê Trường được cấp bằng Cử nhân khoa học cho các SVSQ tốt nghiệp. Chương trình học cố định cho tất cả SVSQ cũng được thay thế bằng một chương trình căn bản cộng thêm 18 ngành chuyên môn, nhiều môn nhiệm ý và khảo cứu tân tiến.Từ đó, sự phát triển của trường SQHQ cũng phản ảnh lịch sử của quốc gia. Trường SQHQ cũng thay đổi trên phương diện văn hóa và kỹ thuật theo đà tiến của quốc gia.
Chỉ trong vòng mấy thập niên, Hải quân đã chuyển từ một hạm đội tàu buồm và máy hơi nước đến một hạm đội tân tiến với tàu ngầm, chiến hạm nguyên tử và phi cơ siêu âm thanh. Trường SQHQ cũng thay đổi, đem đến cho những SVSQ một chương trình văn hóa cao độ và chuyên nghiệp cần thiết cho một sĩ quan hải quân .
Trường SQHQ bắt đầu thu nhận nữ SVSQ từ năm 1976 khi quốc hội chấp thuận cho phụ nữ nhập học các trường đại học quân sự. Phụ nữ chiếm chừng 13% đến 14% tổng số SVSQ năm thứ nhất và theo cùng một chương trình huấn luyện như các bạn nam phái cùng lớp.
 

        II- Đại Cương :

  Hiện nay trường SQHQ là trường đại học chương trình bốn năm với mục đích rèn luyện các sinh viên sĩ quan về đạo đức, tinh thần cũng như thể xác để trở thành những sĩ quan chuyên nghiệp trong Hải quân.
Với diện tích 338 mẫu, trường ở giữa mạn Sông Severn và khu phố di tích lịch sử của Annapolis, thủ đô tiểu bang Maryland. Annapolis cách Washington D.C. 33 dặm về phía đông và 30 dặm đông nam của Baltimore.
Với tên gọi The Yard , trường có những hàng cây trồng dọc theo tường gạch, những kiến trúc kiểu thời phục hưng Pháp (thế kỷ 14,15 và 16) xen lẫn các cơ sở hiện đại nằm trên địa thế nhìn ra vịnh Chesapeake.
Những dẫy nhà của cư xá Bancroft Hall, nhà thờ và những kiến trúc xây cách đây hơn 90 năm đã giúp trường này trở thành một di tích lịch sử quốc gia. Những chỗ như là Alumni Hall dùng cho các sinh hoạt của lữ đoàn SVSQ, thư viện Nimitz với hơn 500,000 bộ sách, khu kỹ thuật Rickover Hall, phòng thí nghiệm hải học Hendrix cung cấp những tài nguyên giáo dục cực kỳ tân tiến.
Vào khoảng 4000 nam nữ sinh viên sĩ quan đại diện tất cả các tiểu bang và vài chục quốc gia thân hữu.
Ngoài những môn học chính về văn hóa và chuyên nghiệp, chương trình giảng huấn gồm có 18 ngành: 8 ngành kỹ sư, 6 ngành khoa học, toán và điện toán và 4 ngành nhân văn và xã hội học. Các môn chuyên nghiệp gồm có: vũ khí cá nhân, căn bàn quân sự, hải nghiệp, hải hành, chiến thuật, kỹ thuật hải quân, hải pháo, lãnh đạo, kỷ luật và quân luật . Ngoài ra mỗi mùa hè các sinh viên còn được huấn luyện tại các căn cứ hải quân và chiến hạm thuộc các hạm đội.
Các sinh viên có thể chọn những môn thể thao liên trường trong số 21 môn cho nam giới, 9 cho nữ giới hoặc 12 môn thể thao nội trường và 14 hội thể thao nữa .Cũng còn có hơn 100 sinh hoạt khác như âm nhạc, kịch nghệ, nhẩy dù, lặn sâu, biện luận, các nhóm tôn giáo và các nhóm thiện nguyện .
Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân khoa học trong ngảnh chuyên môn và phong cấp thiếu úy Hải quân hoặc Thủy quân lục chiến trừ bị và phục vụ ít nhất là 5 năm . Những năm chắc chắn đầy hứng thú và lợi ích cho một sĩ quan trong quân chủng. 

        III- Phạn Xá :

 
Đại sảnh King (Thủy sư đô đốc Ernest J. King) là tên phạn xá của sinh viên sĩ quan.


Chỉ có một sự tổ chức hoàn hảo mới có thể tránh được cái hỗn loạn khi cả 4000 người ngồi vào bàn ăn cùng một lúc trong một diện tích 55,000 bộ vuông (square foot). Thức ăn được dọn ra trong vòng năm phút, biểu lộ sự hiệu quả của phạn xá sinh viên sĩ quan. Thống kê của công tác này thực đáng khâm phục, từ khả năng của những dụng cụ trong nhà bếp cho đến phòng rửa bát, lo cho hơn 40,000 cái muỗng nỉa, đĩa bát và ly tách cho một bửa ăn thường nhật. Nhân viên phạn xá hoạch định, nấu nướng và dọn hơn 12,000 phần ăn mỗi ngày. Để hoàn thành công tác này, họ phải dùng những dụng cụ tự động có khả năng nấu nướng số lượng thức ăn rất lớn. Chẳng hạn như hai chảo chiên tự động có thể chiên 2000 cân Anh (pounds) tôm trong vòng một giờ, hai lò tự động nướng được 3000 cái bánh mì hamburger một giờ, hai lò nướng khác có thể chứa được 80 khay và 320 con gà tây (12 đến 16 cân) một lúc và 6 nồi dùng hơi nước để hâm nóng chừng 3000 lít canh (soup). Hai mươi xe chuyển thức ăn (mỗi xe cho 20 bàn) duy trì nhiệt độ của những khay thức ăn ở 140 độ F. Chương trình ẩm thực qui mô này được thực hiện với một hiệu quả đáng kể và tiêu chuẩn cao. Mối quan tâm lớn nhất của nhà bếp là phẩm chất của thức ăn và sự phục dịch các SVSQ. Họ phải luôn thay đổi thực đơn, biến chế cách trình bày các món ăn để tăng phần hấp dẫn, nhưng không vì thế mà quên đi mức độ dinh dưỡng tối cần cho SVSQ.
Tổng lượng dinh dưỡng hàng ngày cho mỗi SVSQ phỏng định chừng 3500 đến 4000 đơn vị năng lượng (calories) với giá biểu ấn định là 4.75 dollars một khẩu phần. Các thứ thịt được dùng là loại hạng nhì (choice grade), rau hạng A (A grade fancy), bơ sữa bao gồm 4000 lít sữa tươi, được cung cấp từ trại chăn nuôi của trường cách đó vài dặm. Trung bình một ngày các SVSQ tiêu thụ hơn 4000 lít sữa, 4000 cân thịt, 2000 cân rau cải, 4000 cân khoai tây,1200 cái bánh mì, 720 cái bánh trái cây (pie) và 1200 lít kem làm tại nhà bếp ở trường.
Thực đơn hàng ngày đại để như sau:
1- Điểm tâm: Chả trứng, thịt ba rọi nướng, khoai tây chiên, cháo ngũ cốc trong mùa lạnh, trái cây tươi, các loại ngũ cốc ăn ngay, bánh donut, bánh ngọt và bánh mì, cà phê và chocolat nóng. Mỗi bàn đêu có sẵn sữa, nước cam và các gia vị cần thiết.
2- Ăn trưa: thường là bánh mì sandwich. Các món tráng miệng được để sẵn trên bàn cùng với sữa, rau, bánh mì, bánh lạt. Mùa đông có canh nóng. Trên bàn lúc nào cũng có bơ đậu phụng và mứt cho những người kén ăn.
3- Ăn tối: Thức ăn cho bữa tối cũng tương tự như bữa trưa, nhưng món chính có gà, thịt bò hoặc cá kèm với một món rau, khoai tây hay cơm.
Các món được SVSQ ưa chuộng nhất vẫn là ức gà nướng, pizza và hamburger.


        IV- Huấn Luyện Mùa Hè.


Mùa hè đem đến cho sinh viên sĩ quan cái nhìn tận mắt ‘’hải quân trên biển’’ khi họ rời mái trường Annapolis trình diện thực tập ở các căn cứ hải quân hay các chiến hạm. Từ khi trường sĩ quan hải quân thành lập năm 1845, SVSQ đã được huấn luyện hải nghiệp trên biển. Chủ trương đưa các SVSQ xuống huấn luyện trên các hạm đội vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Theo như cẩm nang huấn luyện mùa hè của SVSQ : ’’ sự giám định trong thời gian huấn luyện mùa hè rất quan trọng vì được thực hiện trong một môi trường không thể tạo được trong lớp học hay khung cảnh giáo huấn nào khác’’.
Chương trình vừa được cải tổ cho sinh viên năm thứ hai gồm có hai phần: Ba tuần lễ hải hành trên các tầu tuần của trường và ba tuần huấn luyện về chiến thuật hải quân tại trường. Chương trình này gồm có các phần về Thủy quân lục chiến, chiến tranh đặc biệt, luật phòng vệ duyên hải và hành quân liên hợp. Họ cũng tình nguyện vào chương trình hải hành như hải đội huấn luyện hải nghiệp đi đến những bến ở vùng New England trong khi những sinh viên khác trên các tuần đỉnh đi đến Boston và New York. Trong thời gian này họ học từ hải nghiệp căn bản trên chiến hạm cho đến việc hải hành tập đội. Huấn luyện trên bờ gồm các môn như: vũ khí, phòng tai và cứu hỏa.
Chuyến tuần dương của sinh viên năm thứ ba cho họ những khái niệm để chọn ngành khi ra trường. Đầu tiên là hai tuần huấn luyện về phi hành hải quân tại Pensacola, Florida và về tiềm thủy đĩnh ở King Bay, Georgia. Sau đó là bốn đến tám tuần hải hành trên các chiến hạm từ hàng không mẫu hạm và khu trục hạm cho đến tiềm thủy đĩnh, để các sinh viên biết đến những gay go của những ngày đi biển. Họ sẽ được biết đến đời sống của một thủy thủ khi làm việc chung với một trưởng ban trên tàu.
Mùa hè thứ tư, sinh viên được chỉ định xuống các chiến hạm ở Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cho chuyến hải hành năm cuối cùng. Họ làm việc với sĩ quan cấp úy như người đồng hành, đi phiên hải hành, ăn và ngủ trong khu sĩ quan; nói chung là được đối xử như một sĩ quan cấp úy. Những sinh viên muốn trở thành sĩ quan Thủy quân lục chiến sẽ được gởi huấn luyện tại Quantico, Virginia trong bốn tuần để tham dự các cuộc thực tập và huấn luyện cho sĩ quan cấp úy, sau đó bốn tuần nữa ở các đơn vị Thủy quân lục chiến biệt phái hạm đội tại các căn cứ duyên hải miền Đông và Tây Hoa Kỳ.
Độ chừng một phần ba sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư cũng hoạt động với sinh viên năm thứ nhất vào tháng bảy và tháng tám. Giai đoạn huấn luyện này gọi là mùa hè năm thứ nhất, hướng dẫn các sinh viên năm thứ nhất về đời sống ở trường sĩ quan hải quân cũng như trong hải quân. Đối với những sinh viên làm cán bộ cho khóa đàn em, đây là một kinh nghiệm lãnh đạo quý báu nhất.
Trong khi đa số sinh viên dùng phép nghỉ mùa hè để về thăm gia đình hay đi nghỉ mát, một số tình nguyện đi huấn luyện nhảy dù ở căn cứ Fort Benning, Georgia hay các môn chuyên nghiệp khác


Tuy sân trường sĩ quan hải quân im lặng gần hết mùa hè, lữ đoàn sinh viên vẫn hoạt động, đi khắp thế giới để huấn luyện chuyên nghiệp. Đây là một chương trình khó nhọc cho các sinh viên sĩ quan nhưng tất cả đều thấy thích thú.
( Trích dịch từ tài liệu của hội Sinh-Viên Sĩ- Quan Hải-Quân Hoa-kỳ 1997)


 

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC