Mỗi giai đoạn trong thời thơ ấu của tôi, tôi đều giữ lại trong trí óc mình nhiều điều đáng nhớ và dăm ba điều không đáng nhớ.

Ngày xưa, tết là một dịp rất vui vẻ thích thú và đáng nhớ của tôi. Thời gia đình còn sung túc, cha tôi luôn luôn mua nhiều chậu hoa cúc, thược dược và vạn thọ. Ông sắp chúng hai bên thềm dẫn lối vào nhà, màu hoa rực rỡ dường như làm cho mọi người nói nhiều, cười nhiều hơn một chút. Dĩ nhiên là ông cũng có thêm một cành mai vàng hoặc hồng đào cắm trong một cái bình sứ khổng lồ. Tôi thường nhìn cành hoa khi mới đem về, chằng có gì đẹp đẽ cả. Chúng khô khan gầy guộc, chơ vơ khẳng khiu; vậy mà cha tôi lại thích lắm, vào ngắm, ra ngắm; đôi khi ngồi rung đùi, mắt mơ màng, nhậu ly rượu đế với khô mực. Những khi ấy, tôi cũng lân la bên cạnh ông, nhón bớt mấy sợi mực khô, nhai bỏm bẻm vì mấy cái răng sún, vểnh tai nghe giọng ông ngâm thơ nho nhỏ và lỏ mắt ngó cành cây gầy guộc của ông mà không hiểu ông đã nhìn thấy gì trong những cành cây xấu xí ấy. Bẵng đi mấy hôm, tôi chợt thấy những búp hoa nho nhỏ, điểm trang các cành cây như hạt cườm. Cha hân hoan ra mặt, trầm trồ: “Chà, cành ni nhiều búp quá, chắc mai mốt nở ra đẹp lắm, năm ni chắc mình hên!”.Tôi cũng hớn hở trong lòng, vì tôi nghĩ rằng “hên” có nghĩa là tôi sẽ được nhiều tiền lì xì trong ngày tết. Niềm vui tết của cha là những nụ hoa xuân, câu thơ, câu đối, chén thù chén tạc với bạn bè. Niềm vui tết của mẹ là chuẩn bị thực phẩm cho cả gia đình, lo cho các con và nhiều thành viên khác trong gia đình được no ấm. Mẹ tôi, với nét mặt dịu dàng, yên tịnh như bà tiên luôn mang về cho tôi sự an bình.

Mẹ tôi làm dâu người Huế. Các bà dâu Huế thường là những người giỏi về thủ công gia chánh. Không giỏi cũng thành giỏi vì sống trong những gia đình hoàng phái giổ chạp rất nhiều. Hầu như tháng nào cũng có giổ; những ngày đặc biệt ấy tôi thích lắm vì được xem các cô xúm nhau nấu ăn, làm bánh. Người lớn ai nấy đều bận rộn nên tôi được tự do, chạy quanh quẩn bên các quầy bánh trái. Có cô nhét vào tay tôi mấy hạt sen, có cô cho trái táo, có thím cho viên bánh đậu xanh và dạy cho tôi cách bẻ lá dừa làm hộp bánh su sê…Nhớ những ngày tháng ấy, tôi chỉ muốn đi ngược lại thời gian để hưởng lại những ngày thơ vui sướng của mình.

Nhờ những lần giổ chạp trong gia đình, mẹ tôi trở nên rất khéo léo trong việc làm bánh mứt. Cả tháng trước tết bà đã bắt đầu làm mứt me, dừa, khoai, chùm ruột…

Khi đi chợ mua me xanh, mẹ muốn tôi giúp bà lựa mấy trái me mập và ít quăn queo, mua khoai thì ruột phải thật đỏ, dừa phải lựa thứ dày cơm. Nhà tôi có trồng một cây chùm ruột thật lớn, chua lè nhưng trái to và mập. Tôi được phần việc trèo cây hái trái vì ốm nhom và nhanh như con khỉ! Tôi không làm gãy cành hoặc té cây như mấy cô người làm. Các cô bưng mấy cái rổ lớn, đứng dưới gốc chờ đón những chùm trái tôi vừa hái. Mứt me và mứt chùm ruột làm rất công phu nên mẹ thường làm nhiều để dành cho tặng phẩm. Nhờ lăng xăng bên mẹ, tôi cũng học hỏi được nhiều điều quý giá để xử dụng khi cần trong đời sống hiện tại.

Tôi nhớ rằng chỉ có một vài món mẹ cần mua như hạt dưa, trần bì, cam thảo và một gói mứt chà là. Trong gia đình tôi, không ai thích ăn chà là cả, ngoài bà vú. Năm nào mẹ cũng nhớ mua riêng cho Vú một gói trái chà là khô.

 

Mẹ tôi có người vú em. Chúng tôi gọi là bà vú. Bà ngoại tôi thuê vú là về để cho mẹ tôi bú khi mẹ tôi vừa mới sinh ra. Bà ngoại người ốm yếu, không đủ sữa nuôi con. Khi bà ngoại chết đi sau ba lần sinh đẻ thì bà vú trở thành người thay bà ngoại để săn sóc mẹ tôi, cậu và dì. Ông ngoại tôi không tục huyền, sống đơn độc với dì tôi cho tới lúc mãn phần. Bà vú cũng đi theo mẹ tôi cho đến hết cuộc đời của bà. Khi mẹ tôi đi lấy chồng, bà đi theo săn sóc mẹ và bà trở thành bà vú của tôi khi mẹ tôi sanh ra tôi trong túp lều tranh, cạnh bụi tre xanh bên dòng sông Trà Khúc. Tôi được sanh ra trong cảnh nghèo nàn túng quẩn nhưng đầy tình thương yêu của cha mẹ và bà vú. Chính họ đã nâng niu bảo bọc tôi, đã lặn lội trốn tránh cộng sản bằng cách đi bộ, băng suối, xuyên rừng để đưa nhau về miền tự do vì cha tôi không muốn bị bắt đi tập kết.

Mẹ kể rằng ba tôi may một tấm lưới muỗi chung quanh cái nón lá, người nào ẳm đứa bé mới sinh thì đội cái nón ấy để chống muỗi mòng. Tuy vậy ba tháng sau, khi về được Đà Nẵng, các cô tôi cười khì, ẳm đứa bé ra nhìn và kêu tôi là con mọi!

Khi “con mọi” và gia đình về vùng tự do rồi thì chẳng còn gì để lo buồn nữa. Cha tôi được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho việc làm nên khi tôi lớn lên tại Huế và theo cha mẹ đi các tỉnh khác làm việc thì đời sống khi thịnh khi suy cũng là chuyện bình thường. Điều tôi ghi nhớ mãi trong lòng là chuỗi ngày có bà vú sống bên tôi.

Bà vú theo mẹ tôi có thể từ tuổi ba mươi. Tôi đoán vậy vì không bao giờ biết được. Bà lớn lên trong nghèo khó, không được học hành, không biết ngày sinh của mình nhưng bà có lần nói với tôi là bà tuổi con gà.Tôi cũng tin rằng bà sinh năm con gà vì tánh cách bà giống như con gà: chắc chiu, cẩn thận, kiên trì…nhưng có một đặc điểm quý giá nhất đối với tôi là bà yêu thương tôi nhất. Ngày còn trẻ, bà bỏ quê, gửi con mình cho người khác giữ để vào làm vú nuôi mẹ tôi, ở với mẹ tôi suốt đời và vì thế tôi trở thành đứa cháu ngoại bà không bao giờ có. Có cái gì ngon nhất, đẹp nhất bà đều để dành cho tôi, bà bênh vực tôi khi tôi bị cha mẹ la rầy, bà khóc khi tôi bị cha tôi quất lên mông những lằn roi mây rướm máu vì tội lêu lổng, ngổ nghịch, không nghe lời cha mẹ. Bà cho tôi mấy đồng bạc quý báu hiếm hoi của bà để tôi ra quán xép mua kẹo dừa, kẹo dẻo. Những lần mẹ tôi biết được bà đều trả lại tiền cho vú và dặn tôi không được lấy tiền của bà. Thế nhưng vì tôi có tánh ma đầu biết cách lợi dụng các tình thế thuận lợi cho mình nên cứ có kẹo ăn hoài mà không cần xin xỏ mẹ!

 

Tôi biết mẹ tôi cũng yêu thương bà như mẹ đẻ và bà là cánh tay dựa cho người mẹ ốm yếu của tôi trong 37 năm trời. Bà là người điều hành công việc nhà cho mẹ, bà phân phát tiền chợ cho người nấu bếp hàng ngày. Bà trông nom và giữ trật tự từ nhà ra ngõ và còn là quan tòa xử án cho các vụ kiện tụng xào xáo giữa những cô làm công việc giữ em.  Nhớ nhất là nhiều buổi trưa hè, dưới bóng cây vải, bà ngồi chuyện vãn với các cô tôi và hàng xóm, tôi cũng nằm co trong lòng bà hay ngồi trên đùi bà lim dim nghe những mảnh đối thoại trên trời dưới đất của họ, mơ màng trong tiếng gà trưa, ngái ngủ trong tiếng ve ve râm rang trên tàn lá. Hàng tháng bà gửi tiền công về Quãng Ngãi nuôi con, mẹ tôi gọi con bà vú là chị Chanh. Tôi có thấy chị Chanh vào Nha Trang thăm một lần, lúc ấy chị đã lớn. Tôi chỉ là con bé lẫn quẩn bên bà vú, xem chị cũng như các người lớn họ hàng, lâu lâu từ nhà quê ra thăm để xin tiền cha mẹ tôi về mua gạo, mắm, áo quần cho gia đình họ. Bây giờ lớn lên, tôi bỗng có nhiều suy vấn và xúc cảm về tình cảnh những người dân nghèo, sống trong xứ mà mẹ tôi gọi là: chó ăn đá, gà ăn muối”, những người đàn bà phải lìa xa gia đình, ra phố thị để làm những công việc khó khăn kiếm sống hoặc kiếm tiền nuôi chồng bệnh, con thơ. Rồi còn những đứa trẻ con khác, thiếu tình mẫu tử, phải đùm bọc lẫn nhau hoặc nương nhờ họ hàng, xóm giềng. Có em thiếu may mắn còn bị hành hạ, đói khát vì không có mẹ chúng kề bên… Thuở ấy, tôi là một trong những đứa bé may mắn mà tôi đâu có biết gì!


 

Ban đêm, hai chị em tôi ngủ với bà vú vì mẹ tôi có thêm hai đứa con trai nên phải ngủ với chúng nó. Đôi khi chúng tôi không chịu nhắm mắt ngủ mà vòi vĩnh bà kể chuyện cổ tích hoặc chuyện ma. Chuyện ma thì rùng rợn lắm, chúng tôi sợ ma, nhắm nghiền mắt, hai đứa hai bên ôm sát cánh tay bà và ngủ mất không hay. Năm tôi hơn chín tuổi thì sức khỏe bà bắt đầu kém hẳn: bà hay bị bệnh nên ngủ riêng trên cái giường nhỏ gần cửa để khi mẹ làm việc bên ngoài, mẹ có thể nhìn thấy vú. Tôi lúc ấy rất sợ hãi nên ít khi mon men đến gần, chỉ đôi khi bị mẹ sai đem nước cho bà vú. Tôi pha nước, lẵng lặng để xuống cái bàn nhỏ cạnh giường rồi len lén đi ra. Bà trông thật tang thương, tóc bạc phơ thưa thớt, da nhăn nheo mềm nhão. Cánh tay êm ấm ngày nào tôi ôm ấp gối đầu nay chỉ còn da bọc xương. Mẹ lo thuốc thang cho bà, khi hết thuốc Nam đến thuốc Bắc rồi thuốc Tây. Thuốc nào cũng không làm bà hết bệnh, bà nữa mê nữa tỉnh. Khi mê bà nói lảm nhảm những câu lăng nhăng khó hiểu, khi tỉnh bà đưa đôi mắt mờ đục, vô hồn nhìn ra phía mẹ tôi ngồi, môi mấp máy gọi “chị Hương…chị Hương..”. Không có gì xé buốt tim tôi mỗi khi tôi nhớ lại bà vú; trong những cơn mê sảng đau đớn nhất của bà, lời gọi rõ ràng nhất và khẩn thiết nhất là: “Nga ơi…Nga ơi…” Trong sáu tháng trước khi bà chết, trong nỗi đớn đau tột cùng của cơ thể, bà luôn luôn gọi Nga ơi, Nga ơi! Và vì tôi chỉ là đứa bé mười tuổi, tôi đã bịt tai, chạy qua nhà hàng xóm hoặc nhà ông ngoại để trốn chạy những thanh âm buồn bã kêu gọi mãi tên mình.

Từ đấy tôi không thích tên tôi nữa nhưng tôi không thể nào đổi tên hoặc Mỹ hóa tên mình để trốn chạy những mảnh quá khứ, để tìm quên những âm thanh tuyệt vọng còn vang vang mãi trong lòng.

Tôi vốn không bao giờ ăn trái chà là khô vì không thích ăn ngọt. Hôm nay đi chợ Costco, thấy có bán trái chà là khô trong hộp nên tôi mua. Mang về nhà, pha thêm một bình trà Ô Long. Tôi ngồi bên cửa nhìn ra sân, mưa xuân phơi phới bay trên những cành lan tươi thắm. Tết đã qua mấy tuần rồi, hôm nay thật sự là tết của riêng tôi. Một mình trong xuân mới, hoài niệm những xuân xưa. Cắn trái chà là ngọt, nhấp một hớp trà thơm, tưởng nhớ những người thân yêu giờ đây xa vắng. Mân mê trái chà là da dẻ nhăn nheo nhưng ngọt ngào mật dẻo, tôi tưởng như ngón tay thơ dại của con bé mười tuổi nay lại mơn man một lần nữa trên gò má nhăn nheo của bà vú, để tôi được trọn vẹn nói câu cám ơn và từ biệt.

Tôn Nữ Thu Nga

San Dimas, California. Tháng hai, 27, 2018.

TRANG CHÍNH TRANG TRƯỚC