Chúng ta chắc cũng còn nhớ kiểu quần ống loa thời trang trong cuối thập niên 60, đầu 70 và sau này cũng thịnh hành trở lại một thời gian gần đây. Kiểu quần này, đa số ai cũng biết là xuất phát từ các binh phục thủy thủ Hải quân.
Nhưng ít người biết rằng đây là một kiểu quần tiện dụng cho các thủy thủ thời xa xưa. Lúc ấy, sàn các chiến hạm phải được chà rửa thường xuyên hàng ngàynên các thủy thủ đã may quần với ống thật rộng, để mỗi khi bị gọi nhiệm sở vệ sinh, các chàng chỉ cần xắn quần lên là đã sẵn sàngngay công tác, khỏi ướt quần. Đã thế, xong nhiệm vụ là có thể đi bờ được liền khỏi tốn giờ thay đồ và giặt giũ.

Nút đồng thêu trên tay áo.

 
Thật không gì đẹp bằng áo dạ Hải Quân với những hàng nút đồng sáng chói trước ngực và trên hai cườm tay. Có lẽ ít người biết đây là sáng kiến thực tiễn của Đô Đốc Nelson, Hải Quân Hoàng Gia Anh.
Thời đó các thiếu niên, vừa lên chín hoặc mười , vì ôm mộng hải hồ, từ bỏ gia đình, gia nhập hạm đội để được làmnhân viên phục dịch (cabin boy) với hy vọnglà sau này sẽ được tuyển chọn lên làm sinh viên sĩ quan (midshipman) ngay trên các chiến hạm đang phục vụ.
(Cũng nên biết rằng thuở ấy, SVSQ được huấn luyện ngay trên chiến hạm. Sau khi đủ 20 tuổi với 6 năm đi biển thì mới được thi ra sĩ quan. Kỳ thi vấn đáp rất khắt khe do 5 sĩ quan thâm niên hạch hỏi, phần đông phải thi rất nhiều lần mới thành công)
Với ngần tuổi ấy mỗi khi sóng gió, gian truân làm sao các em không khỏi sụt sùi nhớ thương cha mẹ. Khổ nỗi, lúc phục dịch các quan, phải ăn mặc quân phục chỉnh tề, thì biết làm sao bây giờ. Quân phục bấy giờ không có túi để khăn tay, thôi bèn đưa tay áo lên quẹt mũi đỡ vậy. Bởi thế tay áo các cậu gần như lúc nào cũng dơ dáy, bẩn thỉu vì quân phục đâu được giặt ủi thường xuyên như ngày nay.
Đô đốc Nelson có sáng kiến thêu ngay lên cườm tay áo một số nút đồng, khiến các cậu không còn dám đưa lên quẹt mũi nữa. Từ đó quân phục Hải Quân có thêm món trang sức mới tồn tại cho đến ngày nay.
        Fathom
Đây là đơn vị đo chiều sâu, chắc các bạn vẫn còn nhớ mỗi khi tàu vào vùng cạn hay khi chuẩn bị ủi bãi,hạm trưởng bắt phải báo cáo thường xuyên,khi máy đo độ sâu (fathometer) được sử dụng. Chữ này phát xuất từ tiếng ’’Anglo-Saxon’’, faetm, có nghĩa là vòng ôm tay. Trong thời đại ấy thông thường những cơ phận trên cơ thể thường được dùng đến để làm các đơn vị đo lường, như tay hoặc chân (hand, foot). Fathom là chiều dài một sải tay , từ đầu ngón giữa tay này đến đầu ngón giữa tay kia của một người cao 6 bộ (cỡ Sanh Voi) khi đứng giang thẳng hai tay ra.

Mỗi khi chiến hạm hoạt động gần bờ, các vị hạm trưởng cho các thủy thủ thật tin cậy thả giây dò độ sâu cả hai bên tả, hữu hạm và báo cáo thường xuyên để tàu khỏi mắc cạn.

Gút (Knot)
Đơn vị vận tốc của Hải quân (và hàng hải) mà chúng ta vẫn thường dùng. Các nhà hàng hải từ ngàn năm trước làm gì có những dụng cụ như la bàn làm điểm, radar, sextant v.v..để đo vận tốc chính xác như chúng ta ngày nay; họ phải tìm một phương cách nào đơn sơ và khả tín hầu biết được vận tốc con tàu.
Một vị nào đó đã có sáng kiến dùng giây buộc vào một khúc gỗ thả xuống nước để tìm vận tốc. Trên một cuộn giây dài, cứ cách nhau mỗi 47.33 bộ (feet) người ta thắt một cái gút(knot), sơn màu khác nhau để dễ nhận dạng. Đầu sợi giây được buộc vào một miếng gỗ hình tam giác với một cạnh bầu (chẻ ra từ một khoanh gỗ của thân cây). Người ta gắn chì vào cạnh bầu này, để đầu nhọn đối diện lúc nào cũng nổi trên mặt nước. Mỗi khi muốn đo vận tốc, thủy thủ thả khúc gỗ xuống sau lái và nới giây buộc ra trong vòng 28 giây (second). Đếm số gút đã rời khỏi lái là biết ngay được vận tốc của tàu, do đó mới có danh từ gút.
21 phát súng chào.
Thuở xưa trên các chiến hạm, mỗi khi bắn xong một phát đại bác, phải bồi thuốc và nạp đạn trở lại mới bắn tiếp được, mỗi lần như vậy nhiều khi mất đến 20 phút.
Cho nên khi vào bến khách, chiến hạm bắn hết tất cả đại bác trên tàu để chứng tỏ rằng mình không còn là hiểm họa cho trên bờ nữa. Lần lần súng chào thành thông tục để các chiến hạm chào kính và trên bờ đáp lễ lại. Tuy nhiên thông lệ này lại đi quá trớn, các chiến hạm cứ chào và trên bờ cứ đáp lễ có khi đến hàng giờ không dứt.
Để ngăn chận bớt sự phí phạm đạn dược này, BTL Hải Quân Hoàng Gia Anh ra lệnh các chiến hạm chỉ được bắn tối đa 7 phát súng chào, và đơn vị bờ đáp lễ bằng 3 lần số được chào (tối đa 21 phát). Từ đó 21 phát súng chào chỉ dành cho các nhân vật quan trọng nhất mà thôi. Với sự hùng mạnh và ảnh hưởng của Hải Quân Anh đương thời, lần lần truyền thống này được áp dụng hầu hết trên thế giới.
Riêng với Hải Quân Hoa Kỳ, chỉ những đơn vị và chiến hạm đã được chỉ định mới có phép bắn súng chào. Súng phải bắn cách nhau mỗi 5 giây. Và 21 phát súng chào chỉđược bắn vào những dịp sau:
* Lễ Washington.
* Lễ Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial).
* Lễ Độc Lập.
* Chào Tổng Thống.
* Chào Quốc Khách (là Nguyên thủ quốc gia).
Ngoài ra các chiến hạm với phép của Bộ Hải Quân cũng được bắn súng chào các sĩ quan cao cấp Hải Quân trong những trường hợp đặc biệt, với tiêu chuẩn sau:
Đô Đốc: 17 phát; Phó Đô Đốc: 15; Đề Đốc: 13; Phó Đề Đốc:11.

            Wardroom (phòng ăn Sĩ Quan).
Trên các chiến hạm Hoa Kỳ, phòng ăn sĩ quan được gọi là wardroom. Đây cũng là một danh từ xa xưa truyền lại từ Hải Quân Anh, từ chữ Wardrobe Room. Phiên dịch đúng nghĩa là phòng chứa quần áo, của sĩ quan chiến hạm. Đây cũng là nơi cất chứa chiến lợi phẩm sau khi đánh nhau. Vì thiếu chỗ nên các sĩ quan đôi khi cũng dùng bữa tại đây để khỏi chung đụng với thủy thủ đoàn.
Lần lần wardrobe room cải danh thành wardroom, và cũng thay đổi thành phòng ăn và phòng giải trí của sĩ quan trên chiến hạm như ngày nay.
Logbook (Sổ hải hành).
Khi đi thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội, chắc các bạn thể nào cũng không khỏi thắc mắc tại sao sổ hải hành lại được gọi là log book. Tàu thuyền được sử dụng từ lâu trước khi người ta phát minh ra được giấy.Người ta dùng các mảnh gỗ mỏng cắt ra từ các thân cây (log), khắc xuống đó những sự việc xảy ra trên chiến hạm để làm hồ sơ; sau đó đóng lại như một tập (book) để lưu trữ. Từ đó có danh từ logbook, vẫn còn được áp dụng trên các chiến hạm HK đến nay.

 
            Yankee
Danh từ không được êm ái cho lắm mà mỗi khi tức giận người ta thường dùng để gọi người Hoa Kỳ. Theo một giả thuyết, tên đó cũng xuất phát từ hàng hải mà ra. Thuở các thương thuyền đi buôn bán khắp thế giới, các thuyền trưởng Hoa Kỳ nổi danh là những người kỳ kèo, mặc cả rất nhiều, ít chịu mua hớ một món hàng gì của các thương buôn khác. Các thương gia Hòa Lan, người cũng không thua kém gì về môn mặc cả, thương lượng, gán cho các thuyền trưởng Hoa Kỳ biệt danh là ’’Yanker’’, tiếng của họ có nghĩa là người cãi lộn ồn ào. Sau này chữ này biến đổi thành Yankee và thành tên ám chỉ người Hoa Kỳ đến ngày nay.

T.U. G.

Phỏng theo tài liệu của BTL Hạm Đội Thái Bình Dương (HQHK), Hornblower’s Navy (Steve Pope), The Frigates (Henry Gruppe).


 

TRANG CHÍNH TRANG VĂN NGHỆ